Cúm A là một trong những loại cúm mùa có mức độ nguy hiểm cao nhất và đặc biệt cần phải lưu ý nếu người mắc là trẻ em. Vậy trẻ bị cúm A có triệu chứng gì? Bệnh bao lâu thì khỏi? Hãy theo dõi bài viết dưới đây và cùng chúng tôi tìm hiểu ngay nhé!
Triệu chứng khi trẻ bị cúm A
Để tránh nhầm lẫn cúm A với cảm cúm thông thường, cha mẹ cần nắm rõ các dấu hiệu triệu chứng của cúm A để dễ dàng phân biệt và phát hiện bệnh. Những dấu hiệu triệu chứng khi trẻ bị cúm A thường gặp cụ thể gồm:
- Sốt.
Trẻ thường bị sốt cao từ 38.5 đến 39 độ C trong vài ngày đầu bị bệnh. Tuy nhiên, nếu trẻ bị cúm a sốt cao không hạ thì phải cho trẻ đi bệnh viện ngay chứ ko được để sốt tới 40-41 độ C.
- Ớn lạnh.
Trẻ có thể cảm thấy rất lạnh, ngay cả khi bé đang ở trong một căn phòng ấm áp. Đôi khi trẻ cũng sẽ có thể rùng mình và run rẩy.
- Nhức đầu và đau nhức cơ thể.
Đau đầu do cúm A gây ra đau hơn nhiều so với khi bị cảm lạnh. Bé cũng có thể cảm thấy cơn đau khắp người.
- Mệt mỏi.
Trẻ kiệt sức không hứng thú với việc vui chơi vận động.
- Đau họng và ho.
Sốt cúm A có thể gây đau họng và ho, tuy nhiên cơn ho thường nghiêm trọng hơn bình thường.
- Ăn mất ngon.
Nếu trẻ bị cúm, chúng có thể không muốn ăn trong một hoặc hai ngày đầu bị bệnh. Cho trẻ ăn những thức ăn đơn giản như bánh mì hoặc cháo.
- Nôn mửa và tiêu chảy.
Các triệu chứng này ít phổ biến hơn, tuy nhiên trẻ bị sốt cúm A vẫn có thể bị buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Các biểu hiện trên rất dễ nhầm với cảm cúm thông thường nên cha mẹ cần chú ý thật kỹ sự thay đổi của trẻ. Khi trẻ bị cúm A biến chuyển nặng sẽ sốt cao từ 39 độ C trở lên kèm theo bỏ ăn, bỏ bú, chân tay lạnh. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể xuất hiện thêm một số triệu chứng phụ như thở nhanh, ngủ li bì, thậm chí bao gồm cả sốt cao kèm theo co giật, suy hô hấp.
Trẻ bị cúm A có nguy hiểm không?
Trẻ mắc cúm A do nhiễm virus cúm A, virus này có thể lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác qua đường hô hấp. Tác nhân gây bệnh cúm A ở trẻ chủ yếu do các chủng virus như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9,… gây nên. Virus cúm A có nguy cơ gây bệnh rầm rộ hơn và nhanh chóng lây lan thành dịch, với đặc trưng tính cảm thụ cao, thời gian ủ bệnh ngắn.
Trẻ cũng có thể vô tình lây nhiễm từ virus bám trên lan can, tay nắm cửa, đồ dùng, đồ chơi, bàn ghế, quần áo… Trong mọi điều kiện, trẻ đều có thể lây nhiễm từ môi trường sinh hoạt, vui chơi bên ngoài khi cúm vào mùa.
Bệnh cúm A ở trẻ nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời rất dễ biến chứng ở thể nặng, rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến tử vong trực tiếp. Trong thể lâm sàng siêu vi cúm gây bệnh cho người có 2 thể: một thể cúm thông thường thường rất nhẹ và có thể tự khỏi, tuy nhiên cũng có một tỷ lệ rất nhỏ khoảng 10% người mắc bệnh cúm nặng có biến chứng: viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm long đường hô hấp, tiêu chảy cấp,…
Đọc thêm: Triệu chứng, nguyên nhân cúm a và cách phòng ngừa
Trẻ bị cúm A bao lâu thì khỏi?
Thời gian tồn tại của virus cúm A còn phụ thuộc vào sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể từng trẻ như thế nào. Thông thường, bệnh cúm A ở trẻ nhỏ có thể khỏi sau thời gian từ 10 đến 15 ngày nếu áp dụng chế độ chăm sóc tốt và kịp thời.
Một số trường hợp trẻ sốt liên miên không dứt dẫn đến co giật và ảnh hưởng não bộ. Vì thế, cần đưa bé đi bệnh viện ngay nếu trẻ có các biểu hiện dưới đây:
- Trẻ sốt cao trên 39 độ, uống thuốc hạ sốt không thuyên giảm.
- Trẻ thở nhanh, khó thở.
- Trẻ bị co giật.
- Trẻ mệt mỏi, ngủ li bì, bỏ ăn, nôn trớ, chân tay lạnh.
Cách điều trị cúm A cho trẻ
Khi trẻ mắc cúm A, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế được khám và chẩn đoán, điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ đưa ra. Trong trường hợp nhẹ, có thể điều trị tại nhà. Tuy vậy các cha mẹ vẫn cần tuân thủ cho trẻ những lưu ý:
- Cho trẻ ở phòng riêng tối thiểu 7 ngày, tính từ thời điểm xuất hiện triệu chứng đầu tiên của bệnh.
- Việc vệ sinh, tắm rửa của trẻ cũng nên được thực hiện tại phòng vệ sinh riêng. Nếu không có nhà vệ sinh riêng, nên cho bé đeo khẩu trang và rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh.
- Không nên cho bé ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết. Khi ra ngoài, nên cho bé đeo khẩu trang, giữ ấm đầy đủ để tránh nhiễm lạnh.
- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày. Cho trẻ ăn thức ăn mềm, loãng, dễ tiêu hóa, bổ sung rau xanh và uống nhiều nước.
Nếu trong 7 ngày điều trị tại nhà, tình trạng sức khỏe của trẻ không được cải thiện, thậm chí xấu đi, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và theo dõi điều trị.
Xem thêm: Khi bị cúm A nên ăn uống gì để mau khỏi?
Trên đây là những thông tin kiến thức mà chúng tôi tổng hợp khi trẻ bị cúm A. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn đọc, chúc các bé luôn mạnh khỏe.